Sống để yêu thương, những chú ong nhả mật cho đời

sống là để yêu thương

Câu lạc bộ “Sống là để yêu thương”, tình nguyện tại huyện Đông Giang.

Chúng tôi may mắn được theo chân các bạn trẻ câu lạc bộ “Sống là để yêu thương” trên hành trình đến với huyện miền núi Đông Giang vào một ngày đầu tháng mười. Giữa những cám dỗ của cuộc sống thường nhật, chính những thanh niên ấy đã vực dậy niềm tin trong chúng tôi về một thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết và khát vọng. Bởi cách cảm nhận về cuộc sống luôn hướng về sự tốt đẹp, luôn biết chia sẻ, đặc biệt trong họ là một sự trải nghiệm đáng nể.

Thanh niên, sinh viên là nhân tố quan trọng trong sự phát triển của xã hội. Ở Việt Nam, câu nói đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên dường như đã trở thành thương hiệu cho tinh thần tương thân, tương ái của thanh niên và tuổi trẻ Việt Nam.

Câu lạc bộ tình nguyện viên “Sống là để yêu thương” (thuộc Hội Chữ thập đỏ TP Đà Nẵng) gồm các thành viên là sinh viên các trường Cao đẳng, Đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có tâm huyết và nhiệt tình trong hoạt động nhân đạo được thành lập vào tháng 6 năm 2013, tính đến nay đã được ba năm rưỡi. Khó có thể tổng kết được bao nhiêu hành động thiện nguyện có ý nghĩa nhân đạo sâu sắc của họ; thế nhưng còn quá ít người biết đến, vì họ dường như chỉ biết lặng lẽ, khiêm nhường như những con ong đi nhả mật cho đời.

Những “con ong” đó, lúc “Sẻ chia niềm vui” cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố; lúc “Vui học tiếng anh” cùng các em nhỏ nơi Trung tâm Bảo trợ xã hội; có lúc rộn ràng “Vui Tết trung thu”, khi lại mang về “Mùa đông ấm áp” cho trẻ em nghèo Quảng Nam các huyện miền núi…

Trên cả đoạn đường đi, giọng hát nội lực được vang lên từ các chiến sĩ thiện nguyện “Tựa đàn chim tung bay trên những nhịp cầu tre. Sống là để yêu thương xôn xao bước chân ta về. Đường làng quê tiếng ve như gọi mời say mê. Ngoài bờ để có con trâu già nằm ngủ mê…”. Giai điệu tình nguyện rộn ràng ấy đã làm nức lòng bao bạn trẻ.

quyên góp từ thiện

Trưởng câu lạc bộ anh Lê Văn Hùng (29 tuổi, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) mặt cười rạng rỡ chia sẻ với chúng tôi rằng: “Chúng tôi đã dành thời gian để trải nghiệm những cái mới lạ và chia sẻ điều đó vì muốn xã hội sẽ muôn màu tươi đẹp.”

Từ thiện, tình nguyện đã tràn ngập khắp các nẻo đường của mọi miền Tổ quốc. Và cứ thế, sau những tháng ngày miệt mài bên trang sách, bộn bề trong công việc, những thanh niên tình nguyện lại gác công việc qua góc nhỏ, hào hứng tham gia hoạt động tình nguyện của câu lạc bộ với tinh thần, nhiệt huyết của tuổi trẻ. Với hành trang là chiếc ba lô, với những món quà nho nhỏ từ việc quyên góp quần áo cũ, sách vở, mì tôm, đồ đạc cũ… những thanh niên tình nguyện đã đến những miền xa của Tổ quốc để thực hiện lí tưởng, khát vọng được cống hiến, được đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ mọi người.

“Hạnh phúc của mình là làm cho người khác được hạnh phúc – đó là phương châm của tinh thần tình nguyện “Sống là để yêu thương”.” – Lê Văn Hùng

Nhìn các bạn thiện nguyện nhanh tay trao các phần quà đến bà con và trẻ em nơi này (tại huyện Đông Giang), các bạn khác tranh thủ vén tay áo, dọn đường, phát quang sạch sẽ cho bà con nơi đây, khuôn mặt luôn nở nụ cười tươi, dù có mệt mỏi, họ vẫn cười đùa, họ í ới gọi tên nhau đầy vui vẻ.

đi tình nguyện

Đoạn nghỉ ngơi, những khuôn mặt tuy đã mệt mỏi, nhưng hát thật to, hào hùng tuổi trẻ. Trong lúc trò chuyện, bạn Lê Gia Hân (tham gia 1 năm, 18 tuổi, sinh viên Cao đẳng kinh tế kế hoạch) nói: “Được sống và cùng đồng hành với các anh chị, các bạn để mang được những tình thương, những tiếng cười ấm áp tới các bạn, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ấy quả thực trong lòng mình cảm thấy an nhiên tới lạ thường. Mình đã học hỏi rất nhiều và trải qua được những khoảng khắc ý nghĩa khi được tham gia hoạt động thiện nguyện này”.

Bạn Trần Thị Linh (hoạt động nhóm 3 năm, 21 tuổi, sinh viên trường Đại học Duy Tân) nói với chúng tôi: “Trời như vầy còn đỡ đó. Chớ có lúc nha, dưới cái nắng oi ả, cạnh bãi rác và những con kênh nặng mùi, mà bọn mình vẫn sôi nổi cười nói, hăng hái dọn rác dù mồ hôi đẫm chiếc áo. Chả ngại.”

Chị Lê Thị Hoài (thủ quỹ nhóm, 31 tuổi) vui vẻ cho biết về khó khan của nhóm: “Chi phí cho hầu hết chuyến đi còn thiếu thốn rất nhiều nhưng nhóm đã cố gắng tận dụng những lúc thời gian rảnh để bán kẹo, bán nước, và bán hoa vào các dịp lễ để quyên gớp thêm số tiền, đôi lúc mệt nhưng mà vui”…

Dù còn bao khó khăn trong các hoạt động, trong mỗi lần mang tình thương yêu đến với người nghèo. Nhưng những thanh niên tình nguyện vẫn lặn lội trèo đèo, lội suối đến những bản làng xa xôi hẻo lánh nơi vùng cao địa đầu của Tổ quốc để truyền cái chữ cho con em dân tộc. Họ có được niềm vui khi được gọi là thầy, là cô, là những chiến sĩ tình nguyện của thời đại mới. Và cũng để khi mùa tình nguyện kết thúc, những cuộc chia li lại nghẹn ngào trong nước mắt, đầy quyến luyến với bao lời hẹn ước mùa sau gặp lại. Họ đã làm cho dân thương quý, tin yêu.

Những chú ong nhả mật – “Sống là để yêu thương” đã bay đi với mục đích tốt đẹp: “để chia sẻ, để được cống hiến, để được khẳng định và được trưởng thành hơn”. Họ đã lên đường và luôn luôn ý thức được những suy nghĩ và hành động của mình bởi trong tim họ luôn tâm niệm “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”. Đúng như lời thơ Tố Hữu đã từng viết:

Nếu là con chim chiếc lá

Con chim phải hót, chiếc lá phải xanh

Lẽ nào vay mà không có trả

Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình

Còn nhớ, hơn 30 năm trước, những thanh niên yêu nước đã khoác lên mình màu áo xanh, chiếc ba lô, đồng lòng vượt bão táp của bom đạn khói lửa chiến tranh, đưa mùa xuân về cho thế hệ trẻ hôm nay. Còn tuổi trẻ hôm nay, bằng sức mạnh của tinh thần tình nguyện, bằng khát khao cống hiến của những trái tim đầy nhiệt huyết, phong trào tình nguyện đã lan rộng, phổ biến, ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội và tạo sức cộng hưởng rộng rãi.

Còn bạn, bạn nghĩ gì về những thanh niên tình nguyện tham gia chiến dịch “Sống là để yêu thương”?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *